Mọi thông tin cần biết về cách xây dựng các tựa game hyper-casual thành công
David Hartery, Senior Content Marketing Editor, Adjust, 20 thg 10, 2021.
Game hyper-casual đang dần trở thành một từ khóa chính trong ngành, có lẽ bắt đầu từ khi nhà phát triển Voodoo ghi nhận lượt tải game tăng nhanh đến chóng mặt và vươn lên thành nhà phát triển game có chỉ số hiệu suất cao thứ ba thế giới vào năm 2017 – chỉ đứng ngay sau Google và Facebook. Thông điệp gửi đi đã quá rõ ràng: game hyper-casual đang được nhiều người dùng chào đón và có tiềm năng thành công lớn. Game hyper-casual chưa một lần đánh mất “tiếng tăm” kể từ dịp đó và doanh thu hàng năm đều nằm trong khoảng 2 tỷ USD đến 2,5 tỷ USD. Hướng dẫn dưới đây cung cấp mọi thông tin bạn cần biết về dạng game này: làm sao để xây dựng game, làm sao để kiếm tiền từ game và cần sử dụng công cụ nào để bước vào lĩnh vực này.
Game hyper-casual là gì?
Hyper-casual là game trên thiết bị di động, có gameplay và cơ chế chơi đơn giản như xếp chồng đồ vật, quay vòng và rơi. Loại game này được thiết kế gọn nhẹ và có quá trình onboarding cơ bản, nghĩa là người dùng chỉ cần xem qua vài bước là biết cách chơi game. Nếu bạn xây dựng đúng, thì sự đơn giản của game hyper-casual có thể mang đến các trải nghiệm vô cùng thú vị và gây nghiện.
Game hyper-casual còn khác biệt với các game khác ở khía cạnh người dùng mục tiêu. Game hardcore thường tập trung tìm kiếm các game thủ trung thành — vì họ thường chỉ chi lớn cho một game duy nhất. Còn game hyper-casual thì đánh vào thị trường đại chúng. Với cơ chế chơi đơn giản và dễ hiểu, game hyper-casual có thể thu hút lượng lớn người dùng và tạo ra doanh thu ngay cả khi game hoàn toàn miễn phí (freemium).
Game hyper-casual thường chỉ có duy nhất một cơ chế chơi và có giao diện tối giản. Sau khi mở game lên, người chơi chỉ mất vài giây để vào game. Bởi vì game đã vốn đơn giản, nên hình họa và tính năng trong game càng phải được thiết kế hài hòa và thuận mắt, đồng thời có lộ trình thăng cấp hợp lý. Người dùng thường chơi game này thành nhiều đợt ngắn. Một lợi thế khác của game hyper-casual là game tốn rất ít dung lượng, không gây nặng máy như nhiều game khác. Do vậy, game rất thuận tiện cho người dùng và ít có khả năng bị gỡ bỏ.
Ở sự kiện Mobile Spree năm ngoái, Paul Singh, Product Manager của Adjust, đã cùng thảo luận với các chuyên gia đầu ngành về tốc độ tăng trưởng vượt trội của game hyper-casual. Trong phiên thảo luận, Jonathan Winters, Head of User Acquisition tại Miniclip, đã giải thích lý do đằng sau sự thành công vang dội của dạng game này: “Các nhà sản xuất game dạng này chắc chắn sẽ đi theo hướng sản xuất đại trà, sản xuất sao cho nhanh. Nếu bạn hiện đang nằm trong top các nhà phát triển game, thì bạn sẽ đề cập về nhiều tựa game cùng một lúc.” Để xem đầy đủ phiên thảo luận, vui lòng click vào video bên dưới.
Theo yêu cầu của Youtube, để có thể xem video này.
Cách tạo game hyper-casual
Trước khi bước chân vào lĩnh vực này, bạn cần tìm hiểu các nguyên tắc cơ bản về cách tạo game hyper-casual. Các nguyên tắc bao gồm: chuyên môn kỹ thuật cần để phát triển game, các cơ chế game mà bạn có thể lựa chọn, và tầm quan trọng của việc kiểm thử để cho ra kết quả tối ưu.
Cách tạo game hyper-casual mà không cần code
Bạn có thể tạo game hyper-casual dù không biết code. Có một số giải pháp cho bạn lựa chọn. Scratch chẳng hạn, đây là một ngôn ngữ lập trình miễn phí dành cho cộng đồng online và cho phép tạo ra game tương tác. Với công cụ này, bạn có thể hiểu được các khái niệm cốt lõi của lập trình. Một số công cụ tạo script trực quan khác mà bạn có thể quan tâm như Bolt Visual Scripting trên Unity. Công cụ này phù hợp với những ai muốn phát triển game nhưng không muốn viết code. Bạn có thể thử tham khảo một số khóa học online nếu có nhu cầu tạo game hyper-casual mà không qua bước code.
9 cơ chế của game hyper-casual
Trước khi bắt tay vào phát triển game hyper-casual, bạn cần tìm hiểu qua các cơ chế game thường dùng. Cơ chế chơi của game thường được làm rất đơn giản, sử dụng hình họa cơ bản nhưng đủ thu hút sự chú ý của người dùng. Dưới đây là chín cơ chế game mà bạn có thể sử dụng để tạo nên một game hyper-casual có “sức hút”.
1. Cơ chế đúng lúc (timing mechanic):
Cơ chế này còn được gọi là “cơ chế chạm – tap mechanic”. Đối với game sử dụng cơ chế này, người dùng phải chạm vào màn hình để có thể thực hiện một thao tác vào đúng thời điểm yêu cầu. Lấy ví dụ game Run Race 3D, người chơi phải chạm vào màn hình để nhảy lên mỗi khi cần nhảy.
Theo yêu cầu của Youtube, để có thể xem video này.
Cơ chế này cũng thường tăng dần tốc độ để màn chơi trở nên khó hơn. Game hyper-casual dạng này có thể mang đến trải nghiệm tương tự như những trò arcade đã quá được yêu thích như Mario Bros năm 1983 và Sonic The Hedgehog năm 1991 của Sega Genesis.
2. Cơ chế lên/rơi (rising/falling mechanic):
Ở cơ chế này, một vật thể sẽ bay lên hoặc rơi xuống trong một môi trường giả định. Ví dụ, ở trò Helix Jump của Voodoo, mỗi vòng sẽ xuất hiện một quả cầu liên tục này, người chơi sẽ phải điều khiển cây trụ sao cho quả cầu lọt qua tất cả các khe và đến được tầng cuối cùng.
Theo yêu cầu của Youtube, để có thể xem video này.
Bạn có thể thiết kế cơ chế này để người chơi điều khiển vật thể hoặc điều khiển môi trường. Cơ chế này có nhiều biến thể khác nhau, như tăng tốc độ để từng cấp trở nên khó nhằn hơn.
3. Cơ chế giải đố (puzzel mechanic):
Để có thể hoàn tất màn chơi ở game dạng này, người chơi phải vận dụng logic và đưa vật đi quanh màn hình để về đích. Ví dụ, ở trò Roller Splat!, người chơi phải điều khiển quả bóng sơn sao cho phủ kín sơn lên khắp các con đường càng lúc càng rối trong mê cung.
Theo yêu cầu của Youtube, để có thể xem video này.
Có một điều mà các game hyper-casual dạng giải đố phải đặc biệt lưu ý, đó là cân bằng giữa độ khó và khả năng tiếp cận. Nhà phát triển phải làm sao cho độ khó của game tăng dần, nhưng logic thì không đổi qua mỗi vòng. Nếu bạn thay đổi cách chơi giữa chừng, thì có thể khiến người dùng thấy bối rối và thậm chí “tụt hứng”. Mặc dù dạng game này thường không cần hướng dẫn, nhưng bạn có thể thiết kế vài vòng đầu thật đơn giản để người chơi hiểu dần cách chơi.
4. Cơ chế xếp chồng (stacking mechanic):
Game dạng này yêu cầu người chơi phải xếp chồng vật thể. Nếu game sử dụng cơ chế này thì có thể kết hợp thêm nhiều cơ chế khác. Ví dụ, người dùng phải thay đổi hoặc xoay vật thể thì mới có thể xếp chồng chúng một cách chính xác. Người dùng càng có động lực để quay lại chơi game nếu cấu trúc họ xây nên lớn dần theo thời gian.
5. Cơ chế nhấn nhanh (agility mechanic):
Khác với cơ chế đúng lúc ở trên, cơ chế nhấn nhanh yêu cầu người dùng lặp lại chuyển động một cách thật nhanh và chính xác. Có thể lấy game Timberman làm ví dụ, trong game này, người chơi vừa phải chẻ củi vừa phải tránh các nhánh cây cứ liên tục rơi xuống cản trở.
Theo yêu cầu của Youtube, để có thể xem video này.
6. Cơ chế tăng dần (growing mechanic):
Ở cơ chế này, người chơi phải làm sao cho vật thể đạt kích thước lớn nhất, thường theo kiểu hấp thụ dần để lớn lên. Ví dụ kinh điển nhất về game đã triển khai thành công cơ chế này chính là Snake. Bạn phải điều khiển sao cho con rắn ăn được nhiều viên kẹo nhất và ngày càng dài ra. Mặc dù các game ngày nay cơ chế phức tạp hơn nhiều, nhưng nguyên tắc thì cơ bản vẫn vậy.
7. Cơ chế xoay (turning mechanic):
Nếu game sử dụng cơ chế xoay, thì người dùng thường phải xoay trái hay xoay phái trong một môi trường 3D để qua màn. So với các cơ chế khác, cơ chế này làm tăng độ khó của game lên nhiều lần. Cho nên, game hyper-casual càng phải làm đơn giản cách thức điều khiển.
8. Cơ chế uốn lượn (swerving mechanic):
Cơ chế này khác với cơ chế xoay bên trên ở điểm: yêu cầu người dùng di chuyển vật theo một cách chính xác trên màn hình để tránh các chướng ngại vật. Ví dụ, ở game Aquapark, nhân vật của người chơi sẽ tự trượt xuống một máng nước, và họ phải điều khiển sao cho nhân vật vượt lên dẫn đầu. Họ cũng có thể bị đẩy văng khỏi máng hoặc bỏ qua các góc của máng trượt.
Theo yêu cầu của Youtube, để có thể xem video này.
9. Cơ chế hợp thể (merging mechanic):
Để thành công, game sử dụng cơ chế này cần phải xây dựng lộ trình thăng cấp phù hợp. Merge Dogs là một ví dụ của loại game này, người chơi cần hợp hai chú chó để tạo thành một giống chó đắt tiền hơn.
Theo yêu cầu của Youtube, để có thể xem video này.
Mục tiêu của game là tìm các vật thể giống nhau, từ đó tạo ra một vật thể có giá trị hơn. Thường nếu chọn cơ chế hợp thể, thì game hyper-casual phải có hình họa bắt mắt để người chơi cảm thấy game thú vị và tiếp tục chơi. Loại game này cũng có thể kết hợp thêm cơ chế khác. Ví dụ, Merge Dogs cho phép người dùng đưa chó chạy vòng quanh đường đua.
Kiểm thử hiệu quả hoạt động của game hyper-casual
Một trong những điểm quan trọng nhất làm nên sự thành công của game hyper-casual chính là sự cân bằng, game vừa phải có độ khó nhất định nhưng vừa phải dễ chơi. Game phải làm sao cho người dùng có thể hiểu luật chơi và chơi game ngay lập tức. Nhưng nhà phát triển cũng không nên thiết kế game quá đơn giản hoặc quá khó. Do vậy, nhà phát triển cần triển khai thử nghiệm A/B để xem xét các tốc độ khác nhau trong cơ chế game, từ đó tìm ra đúng điểm cân bằng mà tại đó, người dùng có thể thoải mái chơi game mà không nhanh nản. Nhà phát triển cũng cần thử nghiệm nhiều mô hình kiếm tiền để đảm bảo không làm ảnh hưởng đến trải nghiệm của người dùng.
Kiếm tiền từ game hyper-casual
Mô hình kiếm tiền cũng là một đặc điểm quan trọng khác của game hyper-casual. Các game dạng này thường triển khai quảng cáo để tạo doanh thu. Do vậy, bạn cần biết nên khai thác định dạng quảng cáo nào và cách đưa quảng cáo vào hành trình chơi game của người dùng.
3 định dạng quảng cáo đáng chú ý
- Video quảng cáo có thưởng
Unity Ads từng mô tả định dạng quảng cáo này là “công cụ tạo doanh thu tốt nhất” trên thị trường. Với định dạng này, người dùng sẽ nhận được một phần thưởng sau khi xem quảng cáo. Cụ thể, người dùng có thể nhận thêm xu hoặc thêm mạng nếu chọn xem 30 giây quảng cáo, từ đó thuận lợi vượt màn. Định dạng này mang lại lợi ích cho cả người chơi, nhà quảng cáo (advertiser) và nhà phát hành (publisher). Một nghiên cứu đến từ OpenX cũng cho biết, 77% người dùng sẵn lòng xem quảng cáo dài 30 giây nếu họ nhận được một phần quà giảm giá. Video quảng cáo có thưởng cũng là một giải pháp hữu hiệu trong chiến lược tăng tỷ lệ duy trì và thời lượng phiên. - Banner ad
Mặc dù một số nhà quảng cáo có thể thấy nản lỏng với hiện tượng “banner blindness” (nghĩa là người dùng thường bỏ qua các thông tin được đề cập trong banner), nhưng nhà phát triển có thể triển khai định dạng này để kiếm tiền từ game hyper-casual. Liftoff đã thực hiện một bài nghiên cứu và nhận thấy rằng, định dạng quảng cáo rất truyền thống này có thể hiệu quả hơn video quảng cáo, đặc biệt các video không được tạo riêng cho một chiến dịch quảng cáo cụ thể. Nghiên cứu cũng cho biết, banner ad mang lại kết quả tốt hơn native ad trong việc khuyến khích các tương tác sau cài đặt (post-install engagement) trên Android. - Interstitial ad
Interstitial ad là định dạng phủ lên toàn màn hình, đảm bảo người dùng xem được nội dung quảng cáo. Định dạng quảng cáo này có thể ở dạng tĩnh, nhưng cũng có thể chứa video, trình định vị cửa hàng (store locator) và thậm chí nội dung có thể chơi giải trí. Trong một bài báo viết cho GameAnalytics, Tom Kinniburgh, Giám đốc tại Mobile Free To Play, cho biết “Các quảng cáo ở dạng game đang mang đến hiệu quả rất tốt, vì mang đến một khoảng thời gian xả hơi sau màn chơi chính.” Ông phân tích thêm, quảng cáo cũng cần được thiết kế sao cho phù hợp với game hiển thị quảng cáo: “Bất kỳ mạng quảng cáo nào mà có quan tâm đến trải nghiệm và tương tác của người dùng, đặc biệt về cách sử dụng quảng cáo đặt trong game hyper-casual, đều sẽ tạo ra các game vừa giữ chân người dùng trong thời gian dài vừa ghi nhận tỷ lệ click và tỷ lệ chuyển đổi cao.”
Nhà phát triển cần quyết định liệu có đặt thêm tính năng cho phép bỏ qua interstitial ad vào game hyper-casual hay không. Nếu cho phép người dùng bỏ qua quảng cáo, thì có thể đạt được tỷ lệ duy trì và thời lượng phiên tốt, nhưng lại làm ảnh hưởng đáng kể đến doanh thu. Tóm lại, nhà phát triển cần thử nghiệm A/B lên các loại quảng cáo này để tìm ra đúng công thức cho phép các chỉ số trên của game đều đạt kết quả tốt.
Để biết thêm thông tin về định dạng quảng cáo, vui lòng tham khảo bài viết Làm sao để chọn đúng định dạng quảng cáo cho ứng dụng. Bạn có thể đọc thêm bài viết Control Center của Adjust hỗ trợ quản lý quảng cáo. Và hướng dẫn Mô hình kiếm tiền trên ứng dụng.
Bạn muốn nhận thông tin mới nhất theo tháng? Đăng ký để nhận tin qua mail.