Hướng dẫn iOS 14.5+: điểm lại từ những điều cơ bản
Tiahn Wetzler, Manager, Content & Editorial, Adjust, 09 thg 3, 2022.
Giới thiệu
Khi các bên liên quan trong ngành công nghệ di động vẫn còn đang tranh cãi về quyền riêng tư dữ liệu, thì vào tháng 6 năm 2020, Apple đã công bố quy định mới về quyền riêng tư — quy định bắt đầu có hiệu lực kể từ hệ điều hành iOS 14. Sau một khoảng thời gian trì hoãn để nhà phát triển kịp tìm giải pháp thích nghi, các quy định này chính thức có hiệu lực vào tháng 4 năm 2021 — cùng với sự ra đời của phiên bản iOS 14.5.
Mặc dù đây không phải lần đầu tiên Apple giới thiệu các tính năng cho phép người dùng kiểm soát dữ liệu mà ứng dụng thu thập qua thiết bị iOS, nhưng sự ra đời của các quy định mới lần này (chẳng hạn như AppTransparencyFramework) đã làm thay đổi đáng kể cách ứng dụng truy cập và chia sẻ dữ liệu của người dùng. Đối với nhà quảng cáo, kể cả “lính mới” hay “lão làng”, việc phải hiểu rõ từng chi tiết của các quy định mới này dần trở nên quá tải.
Ở hướng dẫn “điểm lại từ những điều cơ bản” lần này, chúng tôi sẽ phân tích khái niệm cốt lõi liên quan đến quyền riêng tư của người dùng bắt đầu từ thời điểm iOS 14.5, bao gồm mã định danh thiết bị, IDFA và AppTrackingTransparency (ATT) Framework. Chúng tôi cũng phân tích cách thức sử dụng SKAdNetwork, giải pháp phân bổ của Apple, cũng như các phương pháp phân bổ khác — đây đều là các phương pháp bảo vệ quyền riêng tư và tuân thủ quy định mới của Apple. Adjust đã hợp tác chặt chẽ với Apple, đối tác và khách hàng để làm rõ quy định mới và cung cấp giải pháp nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp song vẫn tôn trọng quyền riêng tư của người dùng.
Chương 1: Mã định danh thiết bị
Device ID là gì?
Mã định danh thiết bị là một chuỗi số và chữ cái. Mã này là duy nhất và được sử dụng để nhận diện một điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng. Mã định danh thiết bị có thể ở dạng device ID được mã hóa cứng (hard-code), người dùng không thể thay đổi hoặc cài đặt lại mã này; hoặc ở dạng advertising ID, đối với mã này thì người dùng có thể cài đặt lại và ứng dụng có thể sử dụng cho mục đích marketing.
Trong ngành mobile marketing device ID thường được xem là lựa chọn thứ hai. Nhà quảng cáo thường sử dụng advertising ID để nhận diện và theo dấu hành vi của người dùng dựa trên thiết bị mà không cần thu thập bất kỳ thông tin cá nhân nào. Bằng cách sử dụng device ID, nhà quảng cáo có thể theo dấu hành vi của người dùng và phân bổ một cách chính xác hơn, phân nhóm người dùng dựa trên mã định danh, hiển thị quảng cáo đến người dùng mục tiêu và tối ưu hóa quảng cáo một cách hiệu quả hơn.
Hai hệ điều hành lớn nhất sử dụng hai device ID khác nhau. Device ID trên Android được gọi là GPS ADID (hoặc Google Play Services ID for Android). Còn iOS gọi device ID là Identifier for Advertisers (IDFA).
IDFA là gì?
Identifier for Advertisers (IDFA) là mã định danh thiết bị mà Apple gán ngẫu nhiên cho thiết bị của người dùng. Hoạt động giống như cookie của bên thứ ba trên trình duyệt web, IDFA được sử dụng để theo dấu tương tác của người dùng với quảng cáo và ứng dụng di động (các tương tác đó bao gồm click vào quảng cáo, tải ứng dụng và mua hàng trong ứng dụng…). Nhà quảng cáo còn sử dụng IDFA để hiển thị quảng cáo đến đúng người dùng mục tiêu mà không cần phải thu thập thông tin cá nhân của họ.
IDFA là công cụ chính xác nhất để theo dấu người dùng iOS và thực hiện phân bổ. Vì thiết bị được gán với một IDFA duy nhất, nên nhà quảng cáo có thể xác định thời điểm người dùng tương tác với quảng cáo, biết được liệu người dùng có click vào quảng cáo đó hay không, và người dùng đã thực hiện sự kiện nào trong ứng dụng.
IDFV là gì?
Identifier for Vendors (IDFV) là mã định danh mà Apple gán cho tất cả ứng dụng thuộc cùng danh mục của một nhà phát triển. Nếu nhà phát triển có nhiều ứng dụng được cài trên cùng một thiết bị, thì IDFV sẽ được chia sẻ cho tất cả ứng dụng đó. Giá trị của IDFV là giống nhau cho tất cả ứng dụng thuộc cùng một nhà phát triển và có mặt trên cùng một thiết bị. IDFV sẽ có giá trị khác nếu ứng dụng đó có mặt trên cùng thiết bị nhưng thuộc nhà phát triển khác; hoặc ứng dụng có mặt trên thiết bị khác, không quan trọng ứng dụng đó thuộc nhà phát triển nào.
IDFA là mã định danh thiết bị và người dùng có thể cài đặt lại mã, trong khi đó, IDFV là mã định danh được gán cho tất cả ứng dụng đến từ cùng một nhà phát triển, và sẽ biến mất nếu như người dùng gỡ tất cả ứng dụng của nhà phát triển đó ra khỏi thiết bị. Nếu sau khi gỡ hết ứng dụng của cùng một nhà phát triển và người dùng cài lại một hoặc nhiều ứng dụng trong số đó, thì giá trị của IDFV sẽ bị thay đổi. IDFV thường được xác định dựa trên dữ liệu mà App Store cung cấp về nhà phát triển đó. Nếu ứng dụng không được tải về từ App store (ví dụ: ứng dụng doanh nghiệp hay ứng dụng đang trong giai đoạn phát triển), thì provider ID sẽ được tính dựa trên bundle ID của ứng dụng.
IDFV là công cụ quan trọng để triển khai chiến dịch quảng cáo chéo (cross-promotion) trên thiết bị iOS, kể cả khi người dùng không đồng ý chia sẻ IDFA. Miễn là còn được gửi đi qua tracker URL, thì IDFV vẫn có thể cung cấp cho nhà quảng cáo dữ liệu phân bổ chính xác về chiến dịch iOS.
Chương 2: AppTracking Transparency Framework
AppTrackingTransparency (ATT) là gì?
Bắt đầu từ hệ điều hành iOS 14.5, AppTrackingTransparency system (ATT) sẽ chịu trách nhiệm quản lý thông tin về sự đồng ý của người dùng (cho phép hoặc không cho phép ứng dụng truy cập thông tin). ATT là framework do Apple phát triển, giúp người dùng kiểm soát thời điểm và cách thức dữ liệu được chia sẻ cho bên thứ ba (ví dụ: mạng quảng cáo, đối tác phân tích và đối tác đo lường). Mục tiêu chính của ATT là đảm bảo người dùng hiểu một cách cặn kẽ và chính xác loại dữ liệu được chia sẻ từ thiết bị, và giới hạn việc chia sẻ dữ liệu nếu họ không muốn ứng dụng sử dụng các dữ liệu này.
Apple quy định rằng, bất kỳ ứng dụng iOS nào mà muốn thu thập dữ liệu của người dùng cuối và chia sẻ dữ liệu đó với bên thứ ba thì phải sử dụng ATT framework. Để được phép truy cập vào IDFA của thiết bị, nhà phát triển và đối tác phải được người dùng cho phép (người dùng thể hiện quan điểm thông qua một thông báo pop-up). Người dùng cấp quyền truy cập cho từng ứng dụng một. Nếu người dùng không opt-in, thì ATT sẽ không cho phép ứng dụng truy cập và theo dấu IDFA và dữ liệu của người dùng.
Thông báo ATT
Để yêu cầu quyền truy cập vào IDFA, ứng dụng cần gửi một thông báo pop-up đến người dùng (thông báo này chỉ được gửi một lần duy nhất). Thông báo này được Apple gửi đến người dùng trong quá trình sử dụng ứng dụng, cho phép người dùng kiểm soát quyền truy cập vào IDFA. Ứng dụng có thể chọn thời điểm và đối tượng để gửi đi thông báo, nhưng cho đến khi người dùng nhấn “đồng ý” trên thông báo (opt-in), thì IDFA của họ sẽ không khả dụng.
Cảnh báo bao gồm một tiêu đề chính (ứng dụng không thể chỉnh sửa) và một tiêu đề phụ (ứng dụng có thể chỉnh sửa dòng này) và hai tùy chọn cho người dùng. Apple ghi dòng tiêu đề chính như sau “Cho phép ‘tên ứng dụng’ theo dấu hoạt động của bạn trên ứng dụng và trang web thuộc quyền sở hữu của công ty khác?” Đến dòng bên dưới, nhà phát triển có thể chỉnh sửa để nhấn mạnh lý do mà người dùng cần đồng ý, ví dụ “Dữ liệu sẽ được sử dụng để cung cấp cho bạn các quảng cáo tốt hơn và được cá nhân hóa.”
Người dùng có thể chọn một trong hai tùy chọn sau:
-
Cho phép theo dõi. Nếu người dùng nhấn vào tùy chọn này, thì nhà phát hành ứng dụng và đối tác của họ có thể đọc được IDFA của thiết bị.
-
Không cho phép ứng dụng theo dõi. Nếu người dùng nhấn vào tùy chọn này, thì nhà phát hành ứng dụng và đối tác của họ không thể đọc được IDFA của thiết bị. Người dùng sẽ không nhận được thông báo này từ ứng dụng lần nào nữa, trừ khi họ gỡ ứng dụng và cài đặt lại.
Nhưng nếu người dùng đã chọn “Không cho phép ứng dụng theo dõi” và sau đó thay đổi ý định, thì hoàn toàn có thể đến phần Cài đặt của ứng dụng để chia sẻ IDFA. Bên cạnh đó, người dùng cũng có thể tắt luôn các thông báo yêu cầu quyền truy cập. Nếu họ đến phần Cài đặt và không cho phép bất kỳ ứng dụng nào gửi thông báo nữa, thì ứng dụng không cách nào hiển thị pop-up đến người dùng và sẽ nhận về IDFA ở dạng một chuỗi số 0.
Bất kể người dùng cài đặt như thế nào, và ngay cả khi thông báo yêu cầu quyền truy cập không thể được hiện lên, thì nhà phát triển vẫn có thể dẫn một đường link để chuyển hướng người dùng đến phần Cài đặt. Việc chuyển hướng có thể thực hiện bất kỳ lúc nào, kể cả khi người dùng đã tắt tính năng gửi thông báo trong phần Cài đặt. Với cơ chế này, nếu người dùng thay đổi ý định, thì luôn được chuyển về đúng phần Cài đặt của riêng ứng dụng đó và bật tính năng cho phép ứng dụng truy cập thông tin.
Trạng thái ATT
ATT sử dụng bốn trạng thái để phản ánh sự đồng ý của người dùng, qua đó quyết định liệu ứng dụng có thể sử dụng dữ liệu để theo dấu thiết bị hay không:
- 0 - Không xác định. Giá trị bằng 0 khi người dùng chưa nhận được thông báo yêu cầu quyền truy cập IDFA.
- 1 - Hạn chế. Giá trị bằng 1 nếu quyền truy cập IDFA bị hạn chế.
- 2 - Từ chối. Giá trị bằng 2 khi người dùng từ chối cấp quyền truy cập IDFA cho ứng dụng. Khi người dùng đến phần Cài đặt và tắt tính năng “Cho phép ứng dụng gửi yêu cầu theo dõi” cho tất cả ứng dụng có trên thiết bị, thì giá trị trả về cũng bằng 2.
- 3 - Cho phép. Người dùng cho phép ứng dụng truy cập IDFA.
Người dùng opt-in
Để thành công sau thời điểm iOS 14.5+, một trong các mục tiêu quan trọng nhất mà nhà quảng cáo cần hoàn thành là tối đa hóa tỷ lệ opt-in. Xét cho cùng, nếu tỷ lệ opt-in càng cao, thì bạn càng có nhiều dữ liệu để có thể đo lường quảng cáo giống như trước khi iOS 14 ra đời — đem đến lợi thế cạnh tranh lớn.
Thông báo pop-up ATT — thông báo yêu cầu quyền truy cập IDFA — chỉ được hiển thị một lần. Do vậy, bạn càng phải cải thiện tỷ lệ opt-in. Hãy cung cấp trải nghiệm thật tốt và chọn đúng thời điểm hiển thị thông báo ATT — thời điểm mà người dùng thấy ứng dụng mang đến giá trị đủ tốt để họ chia sẻ dữ liệu.
-
Đừng hiển thị thông báo ATT quá sớm. Đúng là có IDFA càng sớm thì càng tốt, nhưng Adjust có thể chèn ngược trở lại dữ liệu thiết bị bằng IDFA ngay khi IDFA có thể truy xuất được. Vậy nên hãy nhẫn nại và chỉ yêu cầu quyền truy cập khi người dùng đã sẵn lòng chia sẻ.
-
Chứng minh giá trị của ứng dụng. Trước khi yêu cầu người dùng cung cấp một thông tin gì đó (mà phần lớn họ sẽ nói không), thì bạn cần đem đến trải nghiệm tốt và chứng minh được giá trị mà ứng dụng đem đến cho người dùng, như vậy người dùng sẽ thoải mái hơn trong việc chia sẻ dữ liệu.
-
Sử dụng lời nhắc cấp phép ban đầu trước khi kích hoạt thông báo pop-up. Lời nhắc cấp phép ban đầu (pre-permission prompt) là thông báo của riêng bạn, bạn có thể thiết kế, điều chỉnh và sử dụng câu từ sao cho phù hợp nhất với ứng dụng. Để xem hướng dẫn xây dựng một chiến lược UX hiệu quả và công dụng của lời nhắc cấp phép ban đầu, bạn có thể đọc qua bài viết về cách thuyết phục người dùng opt-in.
-
Cân nhắc mối quan hệ giữa người dùng và ứng dụng, trải nghiệm trước đây với ứng dụng, khi thiết kế tin nhắn yêu cầu quyền truy cập dữ liệu. Hãy cảm ơn người dùng và nếu có thể, hãy điểm lại hành trình sử dụng ứng dụng của họ.
-
Cho thấy giá trị mà người dùng sẽ nhận được nếu đồng ý cho ứng dụng thu thập dữ liệu. Bạn muốn hiển thị đúng quảng cáo đến người dùng mục tiêu, hoặc bán các dịch vụ liên quan? Nếu đúng như vậy, bạn cần cho người dùng thấy lợi ích của dạng quảng cáo nhắm mục tiêu hay các dịch vụ liên quan đó.
Kể từ lần đầu tiên Apple công bố cơ chế bảo mật AppTrackingTransparency vào năm 2020, Adjust đã nhanh chóng làm việc với khách hàng để chuẩn bị và phân tích các bước cần làm để cải thiện tỷ lệ opt-in — và các bước cần tránh. Để xem tóm tắt những việc nên làm và không nên làm khi thiết kế thông báo opt-in, hãy đọc qua bài viết tổng hợp những kiến thức mà chúng tôi đã tìm hiểu được trong quá trình nghiên cứu chủ đề này.
Chương 3: SKAdNetwork
SKAdNetwork là gì?
Bên cạnh ATT, cơ chế bảo mật thứ hai mà iOS 14.5+ mang đến — là SKAdNetwork. SKAdNetwork là giải pháp mà Apple triển khai để phân bổ lượt cài đặt (install) và lượt cài đặt lại (reinstall) cho ứng dụng mà không phải chia sẻ bất kỳ dữ liệu nào của người dùng cho nhà phát triển.
Mặc dù có từ “network” trong tên, nhưng SKAdNetwork thực chất là giải pháp — do Apple phát triển — bao gồm chức năng SDK và lênh gọi API. SKAdNetwork được cung cấp miễn phí cho nhà quảng cáo, và thông tin đến từ SKAdNetwork có thể được truyền lại giữa thiết bị, Apple và mạng quảng cáo, hoặc chuyển đến nhà quảng cáo và đối tác (chẳng hạn như Adjust) qua callback. Đầu tiên, hoạt động phân bổ sẽ diễn ra tại App Store, sau đó máy chủ Apple sẽ tiến hành xác minh và xóa mọi dữ liệu liên quan đến người dùng ra khỏi dữ liệu phân bổ, rồi mới gửi đến mạng quảng cáo hoặc nhà phát triển. Để sử dụng SKAdNetwork, mạng quảng cáo phải đăng ký với Apple, và nhà phát triển phải điều chỉnh ứng dụng sao cho ứng dụng tương thích với mạng quảng cáo đó và SKAdNetwork framework. Adjust hiện đứng đầu ngành về danh sách tích hợp với các đối tác SKAdNetwork.
Mục đích của SKAdNetwork là cung cấp dữ liệu phân bổ ở dạng cơ bản và tổng hợp để đảm bảo dữ liệu thiết bị của người dùng được bảo mật hoàn toàn. SKAdNetwork không cung cấp dữ liệu theo thời gian thực, dữ liệu người dùng, dấu thời gian cho biết thời điểm cài đặt hay thời điểm xảy ra sự kiện. SKAdNetwork chỉ cung cấp một số sự kiện nhất định và chỉ instance đầu tiên của sự kiện sau cài đặt (post-install event). SKAdNetwork hiện không hỗ trợ deep linking (cả deferred deep linking và conditional deep linking), phân bổ view-through, và không phân bổ bất kỳ loại tương tác nào khác ngoài thao tác tải xuống.
SKAdNetwork được giới hạn cho 100 loại chiến dịch khác nhau trên mỗi mạng quảng cáo. Nhưng thường với mỗi chiến dịch, nhà quảng cáo còn chạy thêm vô số chiến dịch con cho từng khu vực địa lý, loại thiết bị, hoặc nội dung quảng cáo khác nhau, thì giới hạn 100 kia kể ra thực sự rất ít. Ví dụ, nếu bạn sử dụng 10 creative và chạy quảng cáo tại 5 nước, thì bạn chỉ được chạy hai chiến dịch trên mỗi mạng quảng cáo mà thôi.
Khách hàng của Adjust có thể tự triển khai SKAdNetwork hoặc sử dụng giải pháp hỗ trợ của Adjust. Khi tích hợp với Adjust, Apple vẫn là bên thực hiện phân bổ, còn Adjust là bên tổng hợp dữ liệu.
Giá trị chuyển đổi trên SKAdNetwork thực chất là gì?
Khi người dùng click vào một quảng cáo và được chuyển hướng đến App Store, App Store sẽ gửi một thông báo đến mạng quảng cáo/nhà phát triển – thông báo cho biết quảng cáo đã chuyển đổi người dùng thành công, đồng thời cung cấp Publisher ID, network ID và campaign ID. Bên cạnh đó, thông báo sẽ gửi thêm một giá trị chuyển đổi — ứng dụng có thể cài đặt giá trị này.
Giá trị chuyển đổi (conversion value) là một con số từ 0 đến 63 hoặc từ 000000 đến 111111 trong hệ nhị phân). Nhà quảng cáo sẽ cài đặt giá trị này để thu thập dữ liệu về một số sự kiện sau cài đặt (post-install event). Tính từ thời điểm người dùng lần đầu khởi chạy ứng dụng, thì ít nhất phải 24 giờ sau thì thông báo trên và giá trị chuyển đổi mới được gửi về, tránh trường hợp mạng quảng cáo/nhà phát triển có thể suy ra được thông tin đó đến từ người dùng nào.
Nhà phát triển có thể liên kết bất kỳ sự kiến nào vào giá trị chuyển đổi mà họ muốn; ví dụ, một nhà phát triển game có thể muốn theo dõi sự kiện ‘lên cấp’. Nhưng bạn cần hết sức lưu ý giới hạn sau của giá trị chuyển đổi: giá trị chỉ đi theo một chiều, chỉ tăng chứ không giảm, và chỉ liên kết đến sự kiện xảy ra trong vòng 24 giờ đầu — tính từ sau thời điểm cài đặt. Hãy cùng xem xét ví dụ sau, một nhà phát triển game tạo một mã sự kiện cho ‘Cấp 1’ là 000001. Sau đó người dùng mua xu để chơi game — sự kiện này được gán một giá trị khác là 000011. Nếu người dùng này lên ‘Cấp 2’, thì giá trị bit không thể được cập nhật thành 000010, vì giá trị chỉ được cập nhật tăng. Để tránh rơi vào tình huống này, nhà phát triển nên gán giá trị bit theo từng bước trong hành trình, hoặc theo một tổ hợp sự kiện có thể diễn ra, thay vì gán tùy ý cho bất kỳ sự kiện nào.
Giá trị chuyển đổi còn là kiểu dữ liệu không dấu (unsigned), cho nên nhà phát hành không thể xác minh rằng sự kiện đó chắc chắn đã xảy ra.
Thời lượng của giá trị chuyển đổi
Khi người dùng khởi chạy ứng dụng lần đầu, một thời lượng chuyển đổi sẽ được đặt 24 giờ, sau khi hết thời lượng này thì giá trị chuyển đổi sẽ được gửi về mạng quảng cáo. Tuy nhiên, mỗi lần giá trị chuyển đổi được cập nhật do người dùng kích hoạt một sự kiện in-app, thì thời lượng chuyển đổi sẽ kéo dài thêm 24 giờ.
Sau khi thời lượng này tiến về 0, không còn sự kiện chuyển đổi nào xảy ra trong vòng 24 giờ, thì một thời lượng phân bổ (24 giờ) sẽ được kích hoạt và bắt đầu đếm ngược. Trong vòng 24 giờ này, SKAdNetwork sẽ chọn ngẫu nhiên một thời điểm để trả về dữ liệu phân bổ — dữ liệu ở dạng tổng hợp và không cung cấp bất kỳ dữ liệu nào liên quan đến người dùng. Việc gửi SKAdNetwork payload một cách ngẫu nhiên và chậm trễ không cho mạng quảng cáo/nhà phát triển có thể liên kết một sự kiện (như đăng nhập hay mua hàng) với một người dùng cụ thể. Nhưng vì dữ liệu được gửi về sau thời điểm cài đặt một khoảng thời gian khá xa, nên nhà quảng cáo khó có thể cải thiện chiến dịch SKAdNetwork theo thời gian thực.
Để sử dụng hiệu quả hệ thống này, nhà quảng cáo cần khai thác tối đa dữ liệu nhận được trong vòng 24 giờ, từ đó có bức tranh toàn cảnh hơn về hành vi của người dùng. Giải mã hành vi của người dùng trong 24 giờ đầu tiên chính là bước quan trọng để tạo được giá trị chuyển đổi có khả năng dự đoán và đánh giá chính xác chất lượng của người dùng. Bởi vì chỉ có thể thu thập dữ liệu trong 24 giờ đầu tiên, nên nhà phát triển cần tìm cách để người dùng tương tác với ứng dụng càng nhiều càng tốt trong khoảng thời gian này. Dựa trên thông tin này, nhà phát triển có thể tìm ra được người dùng sẽ ở lại với ứng dụng trong thời gian dài, từ đó nhắm mục tiêu và thu hút người dùng có đặc điểm tương tự.
Chương 4: Phân bổ sau thời điểm iOS 14.5
Với sự ra đời của AppTrackingTransparency framework, còn phương pháp phân bổ nào mà nhà quảng cáo có thể sử dụng trên iOS không?
Có ba phương pháp phân bổ mà nhà quảng cáo có thể sử dụng: SKAdNetwork, deterministic attribution và probabilistic attribution. Nhà quảng cáo có thể kết hợp các phương pháp này với nhau để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của mình. Adjust không chỉ hỗ trợ triển khai các phương pháp này, mà còn cung cấp hướng dẫn giúp bạn lựa chọn được phương pháp phù hợp nhất với ứng dụng.
Nếu người dùng đồng ý chia sẻ IDFA, thì deterministic attribution là phương pháp phân bổ chính xác nhất dành cho nhà quảng cáo. Nhưng dựa theo tỷ lệ opt-in của mỗi ứng dụng mà nhà quảng cáo có thể cần sử dụng thêm SKAdNetwork. Mặc dù có nhiều điểm hạn chế, nhưng ít nhất SKAdNetwork vẫn cung cấp phân bổ lượt click cuối cùng rất chính xác. Chúng tôi tin rằng, nếu sử dụng cả ba phương pháp, ngay cả khi đây là lựa chọn phức tạp nhất, thì sẽ đạt được hiệu quả đo lường cao nhất.
Probabilistic attribution là gì?
Probabilistic attribution là một phương pháp phân bổ dựa trên xác suất, không phải ID hay device matching (hay còn được gọi là deterministic attribution). Phương pháp này sử dụng công nghệ máy học (machien learning) và mô hình thống kê để nhận diện lượt tương tác nào có khả năng cao là đã chuyển đổi người dùng; đồng thời tuân thủ quy định mới của Apple về quyền riêng tư.
Tại Adjust, probabilistic matching là phương pháp phân bổ thứ yếu. Chúng tôi sử dụng thông tin của thiết bị để phân bổ lượt cài đặt cho lượt click và lượt hiển thị nếu các lượt tương tác này có những đặc điểm trùng nhau. Là một đối tác đo lường di động (MMP), Adjust không bao giờ theo dấu hoặc nhận diện người dùng bằng cách thu thập dữ liệu trên nhiều trang web hoặc ứng dụng. Mục tiêu duy nhất của chúng tôi là phân bổ lượt cài đặt cho lượt tương tác với một độ chính xác nhất định. Sau khi người dùng click vào một quảng cáo, thì 80% lượt click đó sẽ chuyển đổi thành lượt cài đặt trong vòng một giờ đầu tiên, nên phương pháp này không cần bất kỳ một ID cố định (persistent ID) nào. Chúng tôi có thể đưa ra dự đoán dựa trên dữ liệu tạm thời (như thời điểm click, thời điểm cài đặt, và các thông tin thiết bị cơ bản) — các dữ liệu này sẽ trở nên vô dụng sau một vài giờ.
Probabilistic attribution không nhằm để thay thế SKAdNetwork và không bao giờ chính xác bằng SKAdNetwork. Tuy nhiên, probabilistic attribution đem đến lợi thế đáng kể cho các nhà quảng cáo. Probabilistic attribution giúp nhà quảng cáo hiểu rõ và phân tích dữ liệu về creative, xây dựng mô hình về ngân sách quảng cáo, đồng thời cải thiện ROI. Nhưng nếu sử dụng cả hai phương pháp này, thì có thể làm phát sinh một vấn đề không mong muốn — phân bổ trùng lặp.
Phân bổ trùng lặp là gì?
Phân bổ trùng lặp là vấn đề thường xảy ra khi chạy quảng cáo trên một mạng hỗ trợ đồng thời SKAdNetwork và deterministic attribution, kết quả là nhà quảng cáo phải trả hai lần phí nhưng chỉ nhận về một người dùng. Vậy phân bổ trùng lặp xảy ra như thế nào?
Ví dụ, mạng quảng cáo bạn đang dùng không sử dụng SKAdNetwork, một người dùng opt-in trên cả ứng dụng của bạn và ứng dụng của nhà phát hành, cho nên mạng đó sẽ thu thập dữ liệu của người dùng bằng IDFA. Tuy nhiên, nếu người dùng đó cũng click vào (hoặc xem) một quảng cáo SKAdNetwork trên một kênh quảng cáo khác trong vòng 30 ngày qua, thì SKAdNetwork cũng sẽ ghi nhận phân bổ cho lượt cài đặt đó. Nhưng dữ liệu của SKAdNetwork lại ở dạng tổng hợp, nên bạn không cách nào loại bỏ dữ liệu trùng lặp này.
Để tìm hiểu thêm, vui lòng đọc bài viết của chúng tôi về cách tránh phân bổ trùng lặp khi sử dụng iOS 14.5+.
Kết luận
Mặc dù các quy định mới xoay quanh iOS 14.5 là một bước ngoặt lớn đối với hệ sinh thái mobile marketing, nhưng không đến mức nghiêm trọng như nhiều người từng dự đoán. Quảng cáo và chiến lược tăng trưởng người dùng (UA) vẫn chiếm phần quan trọng trong kế hoạch tăng trưởng của ứng dụng. Các ứng dụng “ăn nên làm ra” sau thời điểm iOS 14.5 là các ứng dụng có thể thích nghi với quy định mới, thay đổi kịp thời, đồng thời bảo vệ quyền riêng tư của người dùng và tuân thủ quy định mới của Apple.
Trên tinh thần đó, Adjust đã phát triển một bộ giải pháp đa diện, giúp nhà quảng cáo yên tâm sử dụng dữ liệu. Bộ giải pháp bao gồm: giải pháp hỗ trợ AppTrackingTransparency (ATT), giải pháp SKAdNetwork toàn diện, và giải pháp in-house conversion modeling (mô hình chuyển đổi nội bộ), tất cả giúp bạn thu hẹp khoảng cách giữa deterministic attribution và SkAdNetwork.
Để tìm hiểu thêm về iOS 14.5+, cập nhật thông tin mới nhất về diễn biến của ngành, hoặc được tư vấn về giải pháp phù hợp với từng ứng dụng hoặc doanh nghiệp, bạn có thể yêu cầu một bản demo để xem cơ chế hoạt động của giải pháp trong thực tiễn, hoặc truy cập iOS 14.5+ resource center của chúng tôi để xem tất cả hướng dẫn và thông tin cần thiết.
Bạn muốn nhận thông tin mới nhất theo tháng? Đăng ký để nhận tin qua mail.