Bạn có một ý tưởng? Bạn muốn phát triển một ứng dụng? Hướng dẫn phát hành ứng dụng ngay trong tầm tay
Adjust , Content Team, Adjust, 20 thg 5, 2022.
Ứng dụng là một mô hình kinh doanh tiềm năng. Bằng chứng là hiện có hơn 4 triệu ứng dụng được phát hành trên Google Play và App Store, và người dùng chi đến 170 tỷ USD cho ứng dụng vào năm 2021 — tăng 19%. Đã qua rồi cái thời bạn cặm cụi gõ từng dòng code để tạo một ứng dụng trong phòng ký túc xá và hy vọng nó sẽ được nhiều người biết đến. Quá trình phát triển ứng dụng ngày nay gồm nhiều bước và đòi hỏi một bản kế hoạch tỉ mỉ — không còn chỉ cần một lập trình viên ‘đơn phương độc mã’, làm ‘từ A tới Z’. Bài viết dưới đây giúp bạn trả lời những câu hỏi tựa như ‘Tôi có một ý tưởng; tôi cần làm gì để bắt tay vào phát triển ứng dụng?”, “Tôi cần làm gì để gọi vốn?”, v.v.
Phát triển ứng dụng mới: Những việc cần làm
Mỗi ứng dụng được phát triển theo một quá trình khác nhau. Không chỉ khác nhau theo ứng dụng, mà quá trình còn khác nhau theo phân khúc ứng dụng. Nhưng các phân khúc không phải khác nhau hoàn toàn, mà vẫn có những điểm chung. Chúng ta hãy cùng xem xét các điểm chung này trước:
1. Nghiên cứu thị trường và đối thủ
Việc đầu tiên bạn cần làm là nghiên cứu. Bạn cần nghiên cứu để hiểu thị trường và phân khúc ứng dụng. Quá trình phát triển ứng dụng game sẽ khác nhiều với quá trình phát triển ứng dụng du lịch. Chưa kể, tệp người dùng và sở thích của người dùng cũng khác nhau. Do vậy, hãy thực hiện các bước sau:
- Biết đối thủ là ai — Kết quả nghiên cứu đối thủ sẽ giúp bạn xác định, liệu thị trường còn dư địa cho bạn khai thác hay không, và liệu bạn có thể cạnh tranh được với đối thủ hay không. Ngoài ra, bạn cũng cần xác định yếu tố nào đem lại kết quả tốt, yếu tố nào không.
- Nghiên cứu thị trường mục tiêu — Ứng dụng hướng đến ai? Câu hỏi tưởng chừng rất cơ bản này lại là câu hỏi quan trọng nhất mà bạn cần phải trả lời. Có được đáp án thì bạn mới có thể xác định thị trường và cơ chế kiếm tiền. Do vậy, để ứng dụng có màn ra mắt thành công, đừng bỏ qua bước lập chân dung người dùng (user persona).
2. Xác định cách thức gọi vốn
Mặc dù mỗi ứng dụng có yêu cầu khác nhau về năng lực tài chính và nguồn lực, nhưng nhìn chung, ứng dụng nào cũng cần gọi vốn. Do vậy, bạn cần suy nghĩ cách để thuyết phục các nhà đầu tư rót vốn vào tầm nhìn của bạn. Startup có thể gọi vốn theo nhiều cách, và chỉ bạn mới có thể quyết định cách nào là phù hợp nhất. Bạn có sẵn sàng chia cổ phần cho nhà đầu tư? Bạn có đủ sức và nguồn lực để theo dự án đến cùng, cho đến khi ra được thành phẩm hay không? Các cuộc thi gọi vốn có quá rủi ro không? Chỉ bạn mới có thể trả lời các câu hỏi này. Còn chúng tôi chỉ có thể đưa ra một số cách thức gọi vốn:
- Quan hệ cá nhân — Bạn có thể kêu gọi vốn từ gia đình và người thân để có đủ số tiền cho giai đoạn đầu.
- Nhà đầu tư tư nhân — Bạn có thể tìm đến nhà đầu tư tư nhân, đặc biệt những người có thể hưởng lợi từ ứng dụng. Ví dụ, bạn có một ứng dụng giao hàng , thì có thể tìm đến các doanh nghiệp địa phương có nhu cầu giao hàng cao.
- Cuộc thi gọi vốn — Nếu ý tưởng đủ tốt, thì bạn có thể cân nhắc tham gia các cuộc thi gọi vốn. Một mặt nhận tiền thưởng, mặt khác có cơ hội tốt để nhìn nhận lại ý tưởng của mình.
- Nhà đầu tư thiên thần — Bạn cũng có thể tìm đến các nhà đầu tư thiên thần, họ thường chọn đầu tư vào các start-up đang trong giai đoạn nghiên cứu và phát triển, để đổi lấy một số lượng cổ phần nhất định.
- Nhà đầu tư mạo hiểm — Nếu ứng dụng đang trong giai đoạn phát triển, thì có thể chọn cách thức gọi vốn này.
- Vay ngân hàng — Lựa chọn này luôn được đem ra cân nhắc mỗi khi cần gọi vốn, nhưng lưu ý, ngân hàng đưa ra các quy định cho vay rất nghiêm ngặt.
- Gọi vốn cộng đồng — Nếu đã thử tất cả cách trên nhưng đều không gọi được vốn, thì bạn có thể lên các trang gọi vốn cộng đồng (crowdfunding) để huy động một số tiền nhỏ từ nhiều người.
3. Lên ngân sách
Sau khi quyết định được cách thức gọi vốn, bạn cần nghĩ đến việc lên ngân sách. Liệu bạn sẽ cân nhắc từng bước vì ngân sách hạn hẹp, hay bạn sẽ sử dụng tiền của nhà đầu tư để thuê một nhóm lập trình viên xuất sắc? Liệu bạn sẽ chạy một chiến dịch marketing thật “hoành tráng” để quảng bá ứng dụng mới, hay sử dụng phương thức marketing truyền miệng để chiếm được lòng tin của người dùng? Để trả lời các câu hỏi này, bạn cần biết ngân sách nằm ở chừng nào.
4. Xác định cơ chế kiếm tiền
Có rất nhiều cách kiếm tiền từ ứng dụng, Để chọn đúng cơ chế kiếm tiền, bạn cần biết điểm khác nhau cơ bản giữa các cơ chế. Nếu bạn chọn phát triển ứng dụng thương mại điện tử, thì mọi việc không có gì cần bàn — bán hàng đã là một phương thức kiếm tiền. Nhưng nếu ứng dụng thuộc phân khúc khác, thì bạn cần quyết định, bạn sẽ tính phí người dùng một lần ở thời điểm tải ứng dụng, hay chạy quảng cáo trong ứng dụng, hay sử dụng các gói thuê bao. Nếu bạn không có kế hoạch cụ thể về cơ chế kiếm tiền của ứng dụng, thì khó thu được lợi nhuận sau này.
5. Lựa chọn công cụ phát triển ứng dụng
Có rất nhiều công cụ phát triển ứng dụng, mỗi công cụ có ưu nhược điểm riêng. Bạn có thể xây dựng ứng dụng từ đầu — nhưng cách này vừa tốn kém vừa tốn thời gian, hoặc sử dụng các công cụ no-code. Nền tảng no-code là công cụ miễn phí, nhưng cung cấp ít tính năng tùy chỉnh. Nền tảng low-code thì đòi hỏi bạn phải có chút kiến thức về lập trình, nhưng nhìn chung vẫn tốn ít chi phí. Sau khi lựa chọn được công cụ phát triển ứng dụng, bạn có thể lên kế hoạch về lịch trình. Bạn có vài tuần để chuẩn bị kế hoạch ra mắt ứng dụng không? Hay bạn sẽ chờ một năm để hoàn thiện ứng dụng?
6. Xây dựng MVP
Bạn cần có điểm bắt đầu. Đó chính là MVP (minimum viable product, phiên bản rút gọn của ứng dụng). Với MVP, bạn có thể kiểm thử sản phẩm với một tệp nhỏ khách hàng, biết được người dùng đón nhận tính năng nào, muốn thêm hoặc điều chỉnh tính năng nào. Bạn cũng có thể mang theo MVP khi gọi vốn, để các nhà đầu tư có hình dung ban đầu về sản phẩm.
7. Tạo tài khoản nhà phát triển trên Apple và Google
Bước này đã quá quen thuộc. Nhưng có thể vì đây là lần đầu bạn gia nhập thị trường ứng dụng, nên chúng tôi vẫn quyết định đưa bước này vào hướng dẫn. Bạn cần lập tài khoản quảng cáo trên marketplace, cụ thể là Apple và Google. Apple hiện tính phí 99 USD/năm, còn Play Store thì chỉ tính phí một lần với mức 25 USD.
8. Bảo vệ ý tưởng
Mỗi khi nảy ra một ý tưởng tuyệt vời, thì thường bạn sẽ đặt ngay câu hỏi, “Làm sao để ngăn ai đó ăn cắp ý tưởng của mình đây?”. Đây là một câu hỏi hay và do đó cần một câu trả lời hay:
- Chia sẻ có chọn lọc: Bạn không nên chia sẻ quá nhiều về ý tưởng của mình, ngay cả khi bạn đang gọi vốn hay hỏi ý kiến. Hãy kiểm tra thật kỹ lưỡng lý lịch của những người bạn định làm việc cùng, sau đó mới kể sơ qua cho họ về ý tưởng. Bạn cần kiểm tra tất cả, từ lập trình viên đến nhà đầu tư.
- Sử dụng thỏa thuận bảo mật thông tin (NDA) — mọi lúc: Ngay cả khi bạn thấy tin tưởng người bạn lập trình viên của mình, hay người bạn thuê để tìm vốn, thì bạn vẫn cần ký NDA với họ để họ chia sẻ trách nhiệm bảo vệ thông tin.
- Đăng ký nhãn hiệu: Đăng ký nhãn hiệu cho cả tên ứng dụng và logo để đảm bảo bạn sở hữu cả hai hợp pháp.
- Đăng ký bản quyền (copyright): Nhãn hiệu liên quan đến định danh của doanh nghiệp, còn bản quyền giúp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Cho nên bước này là bắt buộc.
Sau khi thực hiện xong các bước trên, bạn đã có đủ thông tin để lên kế hoạch khởi chạy ứng dụng, và có thể biến ý tưởng thành sản phẩm hoàn thiện. Bên dưới là bí quyết dành riêng cho một số phân khúc ứng dụng cụ thể!
Bí quyết khởi chạy ứng dụng game, thương mại điện tử và fintech
Mỗi phân khúc ứng dụng yêu cầu thời gian phát triển, quảng bá và phát hành khác nhau. Dưới đây đề cập chính đến phân khúc game, thương mại điện tử và fintech.
1. Bí quyết dành cho ứng dụng mobile game
Khi xây dựng mobile game, trước tiên bạn cần lựa chọn công cụ tạo game. Công cụ tạo game là môi trường phát triển phần mềm chuyên dùng để tạo video game. Công cụ tạo game khác với các nền tảng no-code và low-code mà chúng tôi đã đề cập ở trên:
- Game template: với công cụ này, bạn chỉ có thể thay đổi các chi tiết cơ bản của game như nhạc, nhân vật hoặc hình nền.
- Drag and drop: công cụ này cung cấp danh sách các hành động mà bạn có thể áp dụng cho các đối tượng trong game.
- Visual scripting: bạn có thể sử dụng công cụ này để viết chương trình bằng đồ thị mà không cần viết code.
- Coding: đây là công cụ linh hoạt nhất và giúp bạn dễ dàng tùy biến game.
Nếu hướng đến game nhập vai, thì bạn cần phải trực tiếp viết code. Nhưng nếu bạn đang làm một game hyper-casual đơn giản, thì các công cụ cơ bản trên có thể dễ dàng đáp ứng nhu cầu của bạn.
2. Bí quyết dành cho ứng dụng thương mại điện tử
Liên tục thay đổi không gian quảng cáo, thu thập dữ liệu thanh toán, và các đầu việc không tên khác — tất cả khiến quá trình phát triển ứng dụng thương mại điện tử trở nên rất phức tạp. Có thể chính vì vậy mà nhiều ứng dụng thương mại điện tử, kể cả các ông lớn trong ngành, chọn hướng ứng dụng kết hợp (hybrid app). Tuy nhiên, có một phương án thay thế tiềm năng. Android Studio — công cụ cho phép phát triển ứng dụng cho tất cả thiết bị — có cung cấp template cho các ứng dụng thương mại điện tử.
3. Bí quyết dành cho ứng dụng fintech
Cho dù bạn muốn tạo ứng dụng giao dịch tiền điện tử hay ứng dụng ngân hàng truyền thống, thì bảo mật luôn là công việc phải ưu tiên. Vì ứng dụng cần phải xử lý nhiều thông tin nhạy cảm liên quan đến tài chính, nên các vấn đề liên quan đến bảo vệ dữ liệu người dùng là tuyệt đối quan trọng và phải được đặt lên hàng đầu. Để tìm hiểu thêm về xu hướng fintech và động lực chính trong lĩnh vực tiền điện tử và tài sản số, bạn có thể đọc “Báo cáo Thế giới fintech — Tiền số 2022”.
Không khi nào là quá sớm để lên kế hoạch tăng trưởng người dùng (UA). Bạn có thể tải Hướng dẫn chinh phục mốc 1 triệu người dùng — Phần 1 để xem thêm nhiều thông tin bổ ích khác.
Bạn muốn nhận thông tin mới nhất theo tháng? Đăng ký để nhận tin qua mail.