Blog Khai thác tối đa lợi thế của thông báo đ...

Khai thác tối đa lợi thế của thông báo đẩy cho chiến lược marketing

Việc có đến 42% người dùng chọn giữ lại thông báo đẩy (push notification) trên thiết bị đã đủ để nói lên rằng, thông báo đẩy xứng đáng có một vị trí quan trọng trong chiến lược quảng bá ứng dụng. Trong hướng dẫn hôm nay, chúng tôi sẽ bật mí bí quyết sử dụng thông báo đẩy để cải thiện kết quả kinh doanh và tăng mức độ tương tác lên đến 88%. Nhưng thông báo đẩy chỉ phát huy công dụng khi bạn biết được lợi ích mà thông báo đẩy mang đến cho người dùng. Dưới đây là mục đích của thông báo đẩy và cách thức triển khai hiệu quả.

Thông báo đẩy (push notification) là gì?

Thông báo đẩy là tin nhắn được gửi thẳng đến thiết bị của người dùng, xuất hiện trên màn hình khóa và được thêm vào phần cảnh báo trên thiết bị di động. Nhà phát hành ứng dụng (app publisher) sẽ gửi thông báo đẩy nếu người dùng đã cài ứng dụng và đồng ý nhận thông báo đẩy. Thông báo đẩy là kỹ thuật marketing cho phép nhà phát hành gửi tin nhắn đến người dùng mà không cần có trong tay bất kỳ thông tin liên hệ nào. Nhưng nhà phát hành phải được người dùng cho phép gửi thông báo đẩy — đồng thời làm theo cách thức triển khai mà chúng tôi liệt kê trong hướng dẫn này, tránh nhắm mắt làm liều mà phí hoài đi cơ hội người dùng trao cho.

Ngoài việc mỗi hệ điều hành cung cấp một dịch vụ thông báo đẩy riêng, thông báo đẩy cũng ngày càng phức tạp và cho phép thực hiện nhiều chức năng hơn. Ví dụ, bạn có thể thêm âm báo tùy ý, gửi tin nhắn ngắn và thêm huy hiệu được đánh số trên app icon. Người dùng cũng có thể hoàn thành một số thao tác mà không cần phải mở ứng dụng. Không những giúp người dùng gắn bó hơn với ứng dụng, loại thông báo này còn thúc đẩy tương tác từ người dùng ít hoạt động — những người đã cài ứng dụng được một thời gian nhưng lâu rồi không mở ứng dụng lên. Đây cũng là giải pháp tuyệt vời để tăng tỷ lệ chuyển đổi in-app và LTV.

Áp dụng thông báo đẩy vào marketing: tăng tương tác và đẩy mạnh tăng trưởng

Tại hội nghị Mobile Spree, Andy Carvell, Founder và Partner tại Phiture đã đưa ra nhiều gợi ý giúp nhà phát triển ứng dụng (app developer) sử dụng thông báo đẩy để từ đó tăng tương tác và đẩy mạnh tăng trưởng. Để thông báo đẩy đạt hiệu quả tối đa, Andy đề xuất nhà phát triển ưu tiên reach (số người tiếp cận một nội dung trong một khoảng thời gian nhất định). “Có một cách để khai thác tối đa lợi thế của thông báo đẩy. Đó là sau khi chọn thông báo phù hợp với toàn bộ tệp người dùng, bạn có thể thử thêm copy, emoji, v.v. để thông báo trở nên phù hợp hơn nữa. Rất khó cải thiện reach nếu thông báo chỉ tiếp cận những người sử dụng một vài tính năng nhất định.” Để xem toàn bộ chia sẻ của Andy, vui lòng click vào video bên dưới.


Theo yêu cầu của Youtube, bạn cần chấp nhận marketing cookies để có thể xem video này.

Thông báo đẩy và tin nhắn in-app: Điểm khác biệt

Bạn cần phân biệt được thế nào là thông báo đẩy và tin nhắn in-app (in-app message). Ngay từ tên gọi đã phản ánh sự khác biệt, đó là người dùng phải mở ứng dụng thì mới xem được tin nhắn in-app. Còn với thông báo đẩy, bạn có thể gửi trực tiếp đến máy của người dùng, miễn là ứng dụng đã có trong máy và người dùng đồng ý nhận thông báo (opt-in).

Thông báo đẩy: 11 cách thức triển khai hiệu quả

1. Không nên gửi yêu cầu cấp quyền mặc định

Bất luận thông báo đẩy có nội dung hoàn hảo đến đâu, thì cũng vô ích nếu người dùng không cho phép bạn gửi chúng. Từ việc 65% người dùng quay lại ứng dụng trong vòng 30 ngày sau cài đặt, khoảng thời gian mà thông báo đẩy vẫn được bật, có thể thấy thuyết phục người dùng opt-in là rất quan trọng.

Trước khi gửi yêu cầu cấp quyền mặc định đến người dùng mới, bạn cần xây dựng mối quan hệ với người dùng. Họ cần thấy sản phẩm của bạn là đáng tin và biết rằng bạn sẽ không lạm quyền sau khi được cho phép hiện thông báo đẩy. Ngoài ra, để ngăn người dùng tắt thông báo đẩy, bạn cần hiện yêu cầu cấp quyền vào đúng thời điểm. Việc này tùy thuộc vào phân khúc mà ứng dụng đang hoạt động. Ví dụ, đối với thương mại điện tử, bạn có thể gửi yêu cầu sau khi người dùng đã mua xong một đơn hàng. Như vậy, bạn có lý do để chứng minh giá trị của thông báo đẩy. Ở ví dụ trên, thông báo đẩy có thể giúp người dùng theo dõi đơn hàng.

Lưu ý rằng, dù bạn không thể tùy ý chỉnh sửa nội dung tin nhắn opt-in trên iOS, nhưng màn hình khởi động ứng dụng (splash screen) là của riêng bạn. Bạn có thể xem đây là dịp để giới thiệu nội dung quảng cáo thuyết phục nhất của mình và chia sẻ lý do tại sao người dùng nên opt-in thông báo đẩy. Thị trường hiện có nhiều công cụ hỗ trợ quy trình này, như Push Pre-Permissions của Leanplum.

2. Cung cấp các thông báo hữu ích

Bạn cần hiểu mục đích của việc gửi đi từng loại thông báo đẩy. Nếu chính bạn cũng không thể đánh giá đúng giá trị của thông báo đẩy đối với người dùng, thì bạn khó mà tăng tương tác, cải thiện tỷ lệ duy trì và đem đến trải nghiệm tốt nhất cho người dùng. Khi gửi đi một thông báo đẩy, bạn cần chắc rằng người dùng hiểu đúng họ cần làm gì. CTA (lời kêu gọi hành động) cũng cần ngắn gọn để thông báo rõ nghĩa.

Khi thiết kế CTA, hãy lưu ý rằng bạn sử dụng CTA để kêu gọi người dùng thực hiện một thao tác hoặc cập nhật một tính năng nào đó. Nếu bạn đang có một ứng dụng du lịch, thì thường thông báo sẽ xoay quanh việc hoàn tất mua vé hoặc thông báo máy bay bị trễ chuyến. Qua các ví dụ trên, bạn có thể thấy rõ công dụng của thông báo đẩy và người dùng nên tương tác với thông báo đẩy ra sao.

3. Cá nhân hóa thông báo đẩy

Biết được thông báo đẩy hữu ích là chưa đủ — bạn cần biết được bằng cách nào thông báo đẩy đem lại giá trị cho người dùng. Bạn cần cá nhân hóa thông báo đẩy để đảm bảo bạn đang tiếp cận đúng người dùng mục tiêu, vào đúng thời điểm, và với creative phù hợp nhất.

Để cá nhân hóa thông báo đẩy, bạn có thể tập trung vào creative, tần suất gửi, thời gian gửi, vị trí và loại nội dung. Bạn cần phân người dùng thành nhiều nhóm. Bạn cũng cần gọi người dùng bằng tên riêng bất kỳ khi nào có thể, và thêm các thông tin liên quan khác vào CTV. Cụ thể, bạn có thể thêm số hiệu chuyến bay và thời gian bay nếu bạn đang thông báo tình trạng trễ chuyến, hoặc thêm mã vận đơn khi cập nhật thông tin giao hàng.

Bạn cũng cần cá nhân hóa thông báo đẩy theo vòng đời sử dụng của người dùng (user lifecycle). Nghĩa là, bạn cần gửi thông báo đẩy vào thời điểm người dùng cần nhất để thúc đẩy họ hoàn thành một thao tác nào đấy. Nếu giữ chân người dùng và tăng LTV là mục tiêu chính của bạn, thì bạn càng cần cá nhân hóa thông báo đẩy và tương tác với người dùng vào đúng thời điểm.

4. Kiểm thử CTA và tin nhắn call to value

CTA được sử dụng để thông báo cho người dùng cách thực hiện một thao tác nào đấy, còn call to value được sử dụng để người dùng biết được họ sẽ đạt được lợi ích gì. Ví dụ, bạn có thể đặt CTA là “check-in” cho ứng dụng du lịch, hoặc “thêm vào danh sách muốn xem” cho ứng dụng giải trí. Nhưng với call to value, bạn cần đặt theo dạng “Giảm giá 20% cho tất cả mặt hàng, trưng diện ngay cho mùa hè nào.” Nhưng quan trọng hơn cả, bạn cần kiểm thử để biết được creative phù hợp với tệp người dùng lớn và từng nhóm người dùng nhỏ. Kết quả thu về còn tùy thuộc vào mục đích của thông báo đẩy: nếu bạn sử dụng call to value để thông báo tình trạng trễ chuyến, thì sẽ không thu về hiệu quả cao.

5. Sử dụng thông báo đẩy một cách chừng mực

Trong phiên thảo luận của Andy Carvel tại Mobile Spree, ông cũng lưu ý với các doanh nghiệp rằng, thông báo đẩy chỉ nên được sử dụng một cách chừng mực: “Khi bạn sử dụng thông báo đẩy, bạn muốn gửi đi một thông tin có giá trị. Ví dụ bạn đi đến chỗ ai đó và vỗ nhẹ vào vai họ. Bạn chỉ làm vậy khi bạn có điều gì đó muốn nói (một điều quan trọng, thú vị hoặc cấp thiết), chứ nếu không vì lý do gì, thì bạn có thể khiến họ thấy khó chịu. Thông báo đẩy cũng giống như vậy, nếu làm không đúng, thì bạn có thể khiến người dùng tắt thông báo đẩy hoặc gỡ luôn ứng dụng ra khỏi máy.”

6. Giới hạn thời gian nhận khuyến mãi

Bạn có thể thúc đẩy người dùng tương tác với CTA bằng cách giới hạn thời gian nhận khuyến mãi. Đây cần là loại khuyến mãi hấp dẫn, khiến người dùng không thấy khó hiểu rằng tại sao bạn lại gửi thông báo đẩy – qua đó người dùng có thể nhanh chóng đăng ký trước khi quá trễ. Khi quyết định giới hạn thời gian nhận khuyến mãi, bạn cần biết chắc người dùng thấy hứng thú, đồng thời kiểm thử trước creative để thu về kết quả tốt nhất. Ví dụ, nếu bạn đang phát hành một tựa game, thì có thể gửi tặng xu trong một khoảng thời gian nhất định, để người dùng không nhanh chán game.

7. Gửi thông báo đẩy dựa vào vị trí

Bạn có thể dựa trên vị trí địa lý của người dùng để gửi đi thông báo đẩy và tăng tỷ lệ chuyển đổi. Ví dụ, bạn có thể gửi thông báo đẩy để hướng dẫn người dùng đến một cửa hàng trong khu vực. Mặc dù đây là một phương án marketing hiệu quả, nhưng có một số “bẫy” bạn cần tránh. Bạn cần bổ sung deep link vào thông báo và đảm bảo dịch vụ phù hợp với văn hóa và thực tiễn tại từng nơi.

8. Gửi thông báo về bản cập nhật ứng dụng

Bạn cũng có thể gửi thông báo đẩy mỗi khi ứng dụng cập nhật tính năng hoặc lên phiên bản mới. Nếu người dùng tắt tính năng cập nhật tự động, thì họ sẽ rất cần thông báo dạng này để có được trải nghiệm tốt nhất. Khi gửi thông báo, hãy liệt kê ưu điểm và cải tiến trong lần cập nhật này để người dùng khó lòng bỏ qua.

9. Sử dụng thông báo đẩy để giúp người dùng không sao nhãng mục tiêu

Các ứng dụng theo dõi và chăm sóc sức khỏe (fitness and wellness) có thể sử dụng thông báo đẩy để người dùng bám sát vào mục tiêu đặt ra ban đầu. Thông báo đẩy trong trường hợp này có lợi cho cả hai bên: người dùng thì có thể tập theo lịch trình mà không cần đặt báo thức cho từng việc một, còn bạn thì có thể tăng tỷ lệ duy trì và tần suất sử dụng ứng dụng. Ứng dụng fintech cũng có thể triển khai loại thông báo này để giúp người dùng quản lý tài chính.

10. Sử dụng power word khi thiết kế creative

Khi gửi thông báo đẩy lên màn hình khóa của người dùng, bạn cần đảm bảo creative rõ ràng và súc tích. Có thể bạn cảm thấy làm vậy thì truyền tải ý không được nhiều, nhưng bạn có thể bổ sung thêm hình và sử dụng các rich media khác. Bạn cũng cần tìm tòi và bổ sung power word (những từ/cụm từ có sức thuyết phục cao, đem lại cảm xúc mãnh liệt) vào creative. Bạn có thể thử tham khảo danh sách hơn 250 từ và cụm từ của Clever Tap — đây là các từ có hiệu quả trong việc chuyển đổi người dùng.

11. Đo lường hiệu quả thông báo đẩy

Giống như mọi thành phần khác của chiến lược marketing, bạn cần đo lường và tối ưu hóa chiến dịch thông báo đẩy. Bạn có thể đặt ra một số KPI có liên quan đến mục tiêu của doanh nghiệp, như LTV, tỷ lệ tương tác và ROAS. Sau đó, bạn cần phân tích kết quả đo lường để tìm ra cách cải thiên thông báo đẩy. Bạn có thể gửi đánh giá đến người dùng để họ nhận xét về nội dung và hiệu quả của thông báo đẩy.

Người làm marketing có thể sử dụng Adjust để theo dõi tình hình triển khai thông báo đẩy, bằng cách tích hợp Adjust SDK và tạo tracker URL. Với Adjust, bạn có thể theo dõi và giám sát các chỉ số liên quan đến thông báo đẩy trên cùng một dashboard.

Thông báo đẩy luôn được xem là một phương pháp marketing hiệu quả, giúp tăng tỷ lệ duy trì từ 3 – 10 lần. Theo Invesp, chuyên gia tối ưu hóa tỷ lệ chuyển đổi: khi được gửi đi dựa trên dữ liệu của người dùng, thì thông báo đẩy có thể làm tăng số lượng giao dịch in-app lên đến 48%. Nếu bạn áp dụng đúng các cách thức triển khai được đề cập trong hướng dẫn này, và tiến hành kiểm thử để tìm ra nội dung phù hợp với tệp người dùng, thì bạn có thể biến thông báo đẩy thành một trợ thủ đắc lực, giúp bạn đạt được những mục tiêu “tham vọng” nhất. Phương pháp marketing này ngày càng trở nên phức tạp hơn. Nghĩa là, bạn có thể thỏa sức cá nhân hóa và làm phong phú nội dung để thu về kết quả tốt nhất.

Bạn muốn nhận thông tin mới nhất theo tháng? Đăng ký để nhận tin qua mail.